Văn hóa doanh nghiệp và sự phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng của sự phát triển trên thế giới. Thậm chí, văn hóa DN còn được xem là một trong những “lối thoát”, một hướng đi lên của DN trong bối cảnh hiện nay. Các DN cần phải đưa vấn đề này vào trong hoạt động kinh doanh của mình như thế nào cho hiệu quả? Các chuyên gia, DN, nhà quản lý cùng bình luận về vấn đề này.
Nền tảng của phát triển bền vững
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Nếu các DN không vượt qua được các điều kiện về trách nhiệm xã hội, một phần rất quan trọng trong văn hóa kinh doanh thì DN sẽ không thể có được bạn hàng và thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta đã có Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ doanh nhân, cũng như các nghị quyết phát triển DN. Trong các nghị quyết đó có nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng văn hóa DN, doanh nhân VN.
Trong bối cảnh hiện nay, DN đang rất khó khăn, và một trong những giải pháp để vượt qua những khó khăn đó hiện nay là DN phải tái cấu trúc - có nghĩa DN phải quay lại vấn đề căn bản là quản trị, trong đó văn hóa DN là một yếu tố rất quan trọng. Đây là cơ hội lớn để vượt lên nếu các DN biết đầu tư thỏa đáng vào văn hóa DN và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Chúng ta đều biết rằng, hiện nay trong các hợp đồng kinh tế lớn trên thế giới, bao giờ cũng kèm theo điều kiện về trách nhiệm xã hội - có nghĩa là bảo đảm quyền lợi của người lao động, không được sử dụng lao động trẻ em, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng. Người ta không chỉ quan tâm tới chất lượng, giá cả, tính hữu dụng của sản phẩm… mà quan tâm tới cách thức người ta tạo ra sản phẩm dịch vụ đó như thế nào.
Nếu các DN không vượt qua được các điều kiện về trách nhiệm xã hội, một phần rất quan trọng trong văn hóa kinh doanh thì DN không thể có được bạn hàng và thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Có thể nói, văn hóa DN trên thực tế đã tạo nên sự gắn kết, đồng lòng, chia sẻ… Những yếu tố này tạo ra động lực cho sự phát triển. Khi đó, DN không chỉ của ông chủ hay của người lao động mà còn là DN của xã hội, DN tạo ra lợi nhuận thông qua phụng sự xã hội.
Các DN, đặc biệt là các DN lớn cần phải có triết lý rất rõ ràng về văn hóa DN và trách nhiệm xã hội mới có thể phát triển bền vững, nâng cao được uy tín của DN.
Bản sắc dân tộc
Ông Nguyễn Thành Nam - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT: Một Cty của VN muốn thành công trên thế giới, trước hết Cty đó phải mang đậm bản sắc văn hóa của VN.
Muốn thuyết phục một DN làm văn hóa thì đầu tiên phải thuyết phục được rằng văn hóa có lợi gì cho DN. Ở FPT, ban đầu thực hiện văn hóa DN một cách tự phát, tức là thấy gì đúng thì làm, đến giai đoạn Cty phát triển lớn lên đòi hỏi phải truyền đạt lại cho thế hệ lãnh đạo sau thì phải đi tìm lý luận.
Văn hóa DN thể hiện ở ngay chính sự gắn kết giữa các thành viên trong các nhóm làm việc. Việc các thành viên trong DN quen nhau thì lợi ích kinh tế rất lớn, năng suất lao động cũng tăng lên. Người ta tính rằng, trong một tổ chức có văn hóa DN cao thì chi phí giao dịch giảm đi 1/3, tốc độ xử lý giao dịch sẽ tăng lên rất nhiều.
Quả thực ở FPT cũng giống như vậy, đó là sự tương tác giữa các nhóm nhỏ trong Cty. Tất nhiên, cả Cty tới hàng ngàn người thì không thể quen nhau hết được, nhưng trong Cty có thể có nhiều hội, nhóm nhỏ như hội ăn trưa, hội đá bóng, hội ca hát, hội phiên dịch… Chúng tôi hỗ trợ họ bằng cách theo dõi và tham dự, tạo điều kiện để nhóm phát triển. Ở FPT những nhóm, hội đó rất nhiều và thực tế đã hỗ trợ lãnh đạo rất hiệu quả trong giải quyết công việc. Đó cũng là nét văn hóa DN riêng của FPT.
Nhìn ở góc độ rộng hơn trên thế giới, văn hóa DN có ảnh hưởng của tính dân tộc. Thực tế các DN lớn đều mang đậm văn hóa của dân tộc đó. Ví dụ cũng là Cty Toyota nhưng nhà máy ở Mỹ năng suất lao động chỉ bằng 1/3 năng suất lao động ở Nhật Bản.
Một Cty của VN muốn thành công trên thế giới, trước hết Cty đó phải mang đậm bản sắc văn hóa của VN. Cá nhân tôi cho đó là đặc tính mềm dẻo của người Việt trong xử lý công việc. Triết lý sẵn sàng làm mọi việc từ việc lớn, việc nhỏ, đó chính là sự mềm dẻo khiến FPT thành công trên thương trường quốc tế.
Văn hóa “Nhân hòa”
Ông Lê Tân - Tổng Giám đốc Cty TNHH Phú Đạt Gia: Tại sao các DN cùng ngành nghề, cùng địa phương, thậm chí trong cả nước không có một hiệp ước liên kết với nhau để bình ổn công tác nhân sự và tuyển dụng.
VN đã vươn ra thế giới, tuy nhiên trong một chừng mực nào đó để bắt kịp hoặc học cái hay, cái cần thiết trong văn hóa DN vẫn còn rất hạn chế. Nó thể hiện ngay ở việc tuyển dụng người lao động. Nếu như trước đây, việc người lao động được vào biên chế chính thức là một sự thành công thần kỳ phải mất hàng năm hoặc nhiều năm mới có được, thì hiện nay, một người lao động có thể trong vài tháng đã thay đổi đên vài ba chỗ làm việc. Xét trên phương diện văn hóa công việc thì đây quả là một sự thụt lùi. Ví dụ: Đơn vị A mới tuyển một nhân viên có tay nghề còn non mới được học qua loa về nghiệp vụ, sau khi vào làm đã được đào tạo, hỗ trợ giúp đỡ để phát triển tay nghề. Tuy nhiên, chưa kịp làm việc để trả lại công lao đào tạo thì đơn vị B mới thành lập trắng trợn chào mời với lời hứa ngọt ngào triển vọng, vậy là đơn vị A mất nhân viên và phải làm lại từ đầu, thậm chí có thể dùng ngay chiêu bài của đơn vị B để tìm nguồn tuyển dụng của đơn vị C...
Ngay ở vấn đề này, văn hóa DN của người Nhật cũng khác hẳn các DN VN. Các Cty Nhật Bản tại các khu công nghiệp VN, người lao động làm ở họ khi đã tự ý nghỉ việc hoặc có sự cố kỷ luật phải nghỉ thì dù có giỏi, tay nghề có cao sẽ không thể làm việc tại một Cty của Nhật Bản khác, vì đơn vị mới khi nhận người họ chiếu theo bản nhận xét và sự đồng ý của Cty liền kề trước đó.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các DN kinh doanh cùng ngành nghề, cùng địa phương, thậm chí trong cả nước không có một hiệp ước liên kết với nhau để bình ổn công tác nhân sự và tuyển dụng. Tất nhiên, loại trừ những cơ quan, đơn vị, DN vi phạm quy chế về lương thưởng và sắp xếp bố trí công việc. Việc này tôi nghĩ rằng chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm. Và vấn đề “nhân hòa” là trách nhiệm không của riêng ai...
Động lực Vượt khó
TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương: Nhiều DN đã vượt qua và trụ vững ở thời điểm rất khó khăn này không phải chỉ bằng tiềm lực tài chính hay năng lực quản lý mà còn có cả yếu tố văn hóa DN.
Nói tới DN là nói tới làm ăn kinh doanh, kinh doanh thì phải có lãi, nếu như DN nào cũng biết tận dụng các yếu tố của văn hóa, từ chuyện mục đích hướng tới của DN, khẩu hiệu của DN, đường hướng hoạt động của DN, từ quản lý của nhà quản lý cho tới việc sản xuất của mỗi nhân viên, công nhân… được văn hóa thấm sâu thì sẽ thành công. Văn hóa và kinh tế luôn luôn nhuần nhuyễn với nhau sẽ tạo được sự phát triển bền vững.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, DN VN đã quan tâm nhiều tới văn hóa DN, văn hóa trong sản xuất kinh doanh. Đương nhiên, chúng ta còn phải mất quá trình dài để xây dựng triết lý văn hóa trong DN, xây dựng một nền tảng vững chắc và lâu dài.
Cũng phải nhìn nhận nhiều hoạt động của văn hóa DN vẫn còn mang tính hình thức, chưa trở thành mối quan tâm hàng đầu của các DN, doanh nhân. Người ta vẫn thấy thiếu trong mỗi doanh nhân một thói quen xây dựng giá trị triết lý, tôn chỉ, phương châm hoạt động, chuẩn mực của DN và chia sẻ đến nhân viên, đến bên ngoài DN. Những hành vi, phản ứng, chiến lược kinh doanh của DN thường thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa dám hi sinh vì những lợi ích dài hạn của DN, chưa đạt được tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. Văn hóa quản lý chưa được coi trọng, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng những đòi hỏi của nhà lãnh đạo, quản lý thời kỳ mới. Những yếu kém, khủng hoảng và đổ vỡ của hàng chục ngàn DN trong năm 2012 và những tháng đầu năm nay có nguyên nhân từ những điều đó. Không phải là tất cả, nhưng, thực tế, nhiều DN đã vượt qua và trụ vững ở thời điểm rất khó khăn này không phải chỉ bằng tiềm lực tài chính hay năng lực quản lý mà còn có cả yếu tố văn hóa DN.